Hôm qua, đội tuyển mang theo nhiều niềm hy vọng của người hâm mộ nhất tại Sea Games 29 – U22 Việt Nam – thua trận bạc nhược và chính thức chia tay sân chơi bóng đá trẻ khu vực
Người Thái vẫn luôn như vậy, vẫn luôn được ví là là ‘ông kẹ’ với riêng Việt Nam kể cả trong lúc nền bóng đá nước này gặp biến động nhất. Mở rộng từ bóng đá sang kinh doanh thì có vẻ như những doanh nghiệp Thái, cũng giống như những cầu thủ Thái, đang làm rất tốt việc ‘bắt vía’ các doanh nghiệp Việt.
3 lần vào lưới nhặt bóng cũng tượng trưng cho 3 'bàn thua' mà các doanh nghiệp Việt đang phải chịu từ các doanh nghiệp Thái cho đến lúc này.
Đội hình: 1 – 0 cho Thái Lan
Thử làm vài phép so sánh giữa doanh nghiệp Việt và Thái đang hoạt động ngay tại 'sân nhà' Việt Nam thì thấy rằng có một khoảng cách lớn giữa thực lực giữa chúng ta và người Thái.
Nếu Việt Nam có gần 98% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ (trong đó đa phần là siêu nhỏ) và chỉ có một vài 'anh tài' cấp khu vực trong hơn 2% còn lại thì từ lâu, người Thái đã phát triển được những doanh nghiệp lớn chẳng hề thua kém doanh nghiệp Nhật, Mỹ hay châu Âu.
Ví dụ trong ngành bia và nước giải khát, Việt Nam có 2 'cầu thủ' giỏi nhất là Vinamilk và Sabeco. Thế nhưng năm 2016, Vinamilk lãi 411 triệu USD còn Sabeco lãi 196 triệu USD. Hai con số này cộng lại chưa bằng lợi nhuận 756 triệu USD của đại gia ThaiBev đến từ Thái Lan trong cùng năm.
Trong ngành bia và giải khát, những 'cầu thủ' tốt nhất của Việt Nam hợp lại vẫn chưa bằng cầu thủ tốt nhất của Thái Lan
Thậm chí ThaiBev còn nhăm nhe 'ăn' cả chính Vinamilk và Sabeco. Hiện tập đoàn nước giải khát này đang nắm 10% cổ phần Vinamilk thông qua F&N Singapore. ThaiBev cũng rất 'chịu chơi' với cơ hội có sở hữu tại Sabeco khi từng 2 lần đề nghị mua những số cổ phần lớn tại hãng bia Việt Nam với số tiền đến hàng tỷ USD nhưng đều thất bại. ThaiBev chính là gương mặt của một trong số những 'cầu thủ' giỏi của Thái Lan.
Ở ngành xi măng, Việt Nam có Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) là một trong những doanh nghiệp làm ăn rất tốt. Năm 2016, Vicem đạt doanh thu hơn 27 nghìn tỉ đồng, tương đương gần 1,2 tỉ USD.
Nhưng con số này nếu so với Siam Cement (SCG) – tập đoàn xi măng Thái Lan có mặt tại Việt Nam thì vẫn chưa là gì. Doanh thu của SCG trong năm 2016 là 12,7 tỉ USD.
Sự khác biệt về quy mô, một phần đến từ chính yếu tố “non kinh nghiệm”. Ví dụ,SCG là tập đoàn đã có tuổi đời lên đến 100 năm, quá mạnh ở thị trường trong nước và nổi tiếng với những hoạt động M&A trong khu vực. Còn ThaiBev là một đế chế bia và nước giải khát đã vươn mình khắp cả Đông Nam Á và đang hướng tới trở thành đại gia của châu Á.
Chiến lược 'hệ sinh thái' và 'M&A'của người Thái: 2 - 0
Chiến lược mang đến bàn thắng thứ hai cho doanh nghiệp Thái trước doanh nghiệp Việt. Có lẽ ở Việt Nam, chúng ta khó mà thấy được một doanh nghiệp nào có thể tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ mà tất cả các công ty thành viên đều mạnh như các doanh nghiệp Thái.
Chẳng hạn, ThaiBev sản xuất đồ uống mới chỉ là 1 nhánh trong 3 nhánh kinh doanh lớn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd. Người anh em của ThaiBev là Berli Jucker (BJC), công ty chuyên về vỏ lon/vỏ chai và TTC Land, công ty chuyên về thâu tóm bất động sản.
Nói thêm, cả BJC và TTC Land đều đã ghi những bàn thắng ngoạn mục tại Việt Nam. BJC là chủ nhân của thương vụ thâm tóm đại siêu thị Metro đình đám. Đồng thời, công ty này cũng cung cấp vỏ lon, vỏ chai cho hầu hết các hãng nước giải khát Việt Nam. Còn TTC Land thì chính là kẻ đang nắm quyền chi phối khách sạn 5 sao Melia ở phố Lý Thường Kiệt ngay trung tâm Hà Nội.
Một chiến lược cũng cần kể đến nữa của người Thái nữa là M&A. Sự thực là những thương vụ M&A nóng nhất Việt Nam thời gian qua đều có liên quan đến các doanh nghiệp Thái.
Ví dụ, SCG từng chi ra hơn 5.000 tỉ đồng để mua lại 85% cổ phần của gạch Prime, một trong số ít những thương hiệu gạch “thịnh vượng” của Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng có 20% cổ phần tại Nhựa Tiền phong, doanh nghiệp nhựa có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Bán lẻ tại Việt Nam có vẻ là miếng bánh được người Thái đặc biệt thích thú. Cả 3 tỷ phú giàu nhất Thái Lan đều chọn đầu tư vào Việt Nam, thể hiện qua các thương vụ của anh em BJC, ThaiBev; của CP Group và của Central Group.
Thâu tóm Metro, 'bàn thắng đẹp' của người Thái
BJC, trước khi hoàn tất thương vụ với Metro Việt Nam, cũng đã kịp thâu tóm chuỗi cửa hàng Family Mart và đổi tên nó thành B’Mart. Trong khi đó, người anh em BJC là ThaiBev thì luôn nhăm nhe sở hữu những cổ phần lớn của Sabeco và Vinamilk như đã nói ở trên,
Mảng bán lẻ điện máy, người ta cũng chứng kiến thương vụ tập đoàn Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim với giá trị khoảng 100 triệu USD. Cần nhớ rằng thời điểm đầu năm 2015, Nguyễn Kim chính là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành điện máy.
Rõ ràng, với tiềm lực của mình, các doanh nghiệp Thái đang ghi những bàn thắng rất 'đẹp' tại Việt Nam: đã không quan tâm thì thôi, đã quan tâm thì chọn những doanh nghiệp mạnh nhất, sau đó tiến hành “mua đứt, bán đoạn” với những mức giá khủng mà không hề tiếc tiền.
Điều bất ngờ là tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Thái Lan vào Việt Nam có lẽ chỉ đứng đâu đó trong nửa sau của top 10.
3-0 sắc lẹm: Thương hiệu Thái trên đất Việt
Không giống như bóng đá, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu đại diện cả dân tộc sẽ luôn được cổ vũ thì trong một nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng Việt lại ưu ái hàng Thái hơn.
Đó là tâm lý đã có từ rất lâu kể từ thời “xe máy Thái, đồ điện tử Thái” những năm 90 thế kỷ trước. Không quá ưa chuộng hàng Việt, hàng Trung Quốc với quan niệm hàng Tàu gắn với những ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp, rút cục người dùng Việt lại đặt cảm tình nơi hàng Thái.
Vì thế, dù có 'thi đấu' ngay trên sân nhà thì dường như hàng Việt đã thiệt thòi phần nào nếu so với hàng Thái. Lợi thế ở đây có lẽ chỉ còn thể hiện ở những hàng rào kỹ thuật, những chính sách giúp doanh nghiệp nội địa tránh nguy cơ bị thâu tóm. Tất nhiên, những điều này sẽ mất đi khi mà Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hôm qua, trong thế đã thua 2 bàn, U22 Việt Nam để tiền đạo Chenrop thoát xuống nơi cánh phải. Văn Hậu đã khép góc rất hẹp nhưng tiền đạo Thái Lan vẫn sút, chéo góc, qua háng Văn Hậu, qua cả tầm tay Minh Long và bay vào lưới.
Một cú sút sắc lẹm tạo ra một bàn thắng đẹp, ghi bởi chính thực lực của người Thái chứ không phải do Minh Long mắc sai lầm. Bàn thắng cũng khẳng định luôn chiến thắng tuyệt đối của người Thái.
Đó là chuyện bóng đá. Quay lại câu chuyện kinh doanh, sau khi nhận những "bàn thua", doanh nghiệp Việt sẽ có chiến thuật phản công nào để không phải chịu những bàn thua trắng từ doanh nghiệp Thái như hiện nay.