ĐIỀU KÌ DIỆU : LỚP HỌC NƠI CỬA PHẬT

ĐIỀU KÌ DIỆU : LỚP HỌC NƠI CỬA PHẬT
logo
5 stars - based on 1 reviews

Đó là lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Một lớp học giản dị, yên tĩnh nơi cửa chùa xuất phát từ tình thương của những cô giáo - mẹ hiền, cứ âm thầm dạy dỗ miễn phí cho biết bao trẻ em khuyết tật không có điều kiện học hành, để chắp cánh ước mơ cho tương lai các em.

Nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh

Tới thăm lớp học vào ngày cuối tuần, chúng tôi thực sự xúc động bởi nó không giống như các lớp học khác khang trang với tiếng trống trường, với cảnh vui đùa nhộn nhịp háo hức hân hoan, với khăn quàng đỏ, hay những giờ dạy sôi nổi… mà lớp học nơi cửa chùa này chỉ có các em vốn ngây ngô, thẫn thờ và im lặng.

Thấy có người lạ đến thăm, các em cứ ngơ ngơ, ngác ngác với con mắt đầy lạ lẫm. Cô Nguyễn Thị Thoa - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội tham gia dạy Toán tại lớp học tình thương cho biết: Lớp học tình thương này do cô Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn khởi xướng mở từ năm 2007, đến nay sau gần 10 năm lớp học đã nhận được sự đồng cảm sẻ chia của nhiều giáo viên trong xã, trong huyện đến cùng tham gia dạy trẻ miễn phí.

Các em học sinh đến đây học chủ yếu là những em khuyết tật trong địa bàn huyện Chương Mỹ, bị mắc các căn bệnh như thiểu năng trí tuệ, câm, điếc, bệnh tự kỷ, bản thân không có khả năng học tại các lớp học chính quy. Vì thế, các em không chỉ được tập đọc, tập tô, viết, học tiếng Việt, tập làm toán, học hát, học vẽ… mà còn được hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập. Và nhất là sau mỗi giờ học các em được vui đùa cùng nhau, được chơi những trò chơi tập thể mà trong cuộc sống hàng ngày các em không thể chơi cùng với những người bạn bình thường, để xua đi cảm giác mặc cảm, tự ti về bản thân và để được hòa nhập vào cộng đồng.

Hiện nay lớp học có 64 em từ 6 đến 25 tuổi bị các dạng khuyết tật khác nhau. Các em được chia thành 3 nhóm để thuận tiện cho việc học, đó là: Nhóm các em có khả năng tiếp thu được; nhóm các em bị liệt hoặc khiếm thính và nhóm các em bị thiểu năng trí tuệ, bại não.

Ngót 10 năm qua từ lớp học này, đã có biết bao những trẻ em khuyết tật được chắp cánh ước mơ vun đắp mỗi ngày và trở thành nơi nuôi dưỡng biết bao tấm lòng nhân ái cho những mảnh đời bất hạnh.

Nơi thương yêu hội tụ

Tâm sự về “lai lịch”, lý do mở lớp học tình thương nơi cửa chùa, cô Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn, hiện làm chủ nhiệm lớp và là người khởi xướng ra lớp học tình thương cho biết: Cô vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên cô đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ và anh chị mình đến một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Dù nghèo đói nhưng gia đình cho cô đến trường để học lấy cái chữ, mong sao đời bớt khổ. Thế rồi ước mơ cũng thành hiện thực. Ngày ấy tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Cộng đồng (Hà Nội). Tốt nghiệp cao đẳng, cô tiếp tục học đại học tại chức. Năm 1997, cô ra trường trở về địa phương giảng dạy tại Trường Tiểu học Đông Sơn. Dù đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng cô vẫn quyết bám lớp, bám trường vì các em học sinh.

Những năm đó việc học hành ở một số vùng quê nghèo của huyện Chương Mỹ chưa được chú trọng, trên địa bàn xã Đông Sơn nơi ở của cô có rất nhiều em bỏ học giữa chừng. Nghĩ về gia đình mình vốn thất học, tình thương, lòng đồng cảm, sự tâm huyết với nghề nghiệp đã thôi thúc cô tiếp tục sự nghiệp giáo dục trồng người. Thấy nhiều học sinh bỏ học, năm 2006, cô đã tự nguyện mở một lớp học miễn phí tại nhà riêng của mình để giúp đỡ những em không được đến trường và những em học yếu, không theo kịp các bạn cùng lớp.

Thấy số lượng học sinh đến lớp học của cô ngày càng nhiều nhưng nhà cô vốn chật hẹp nên chỉ dạy được 4 - 5 em làm cô luôn trăn trở. Vào ngày Rằm tháng 7/2007, tình cờ cô đi lễ chùa Hương Lan, thấy nhà chùa có phòng khách, cô đặt vấn đề với sư thầy xin mượn để mở lớp học tình thương và bất ngờ được sư thầy Thích Đàm Tiền đồng ý. Mừng quá, ngay trong buổi chiều Rằm tháng 7 cô viết đơn xin phép nhà trường, Ủy ban xã, rồi xin bàn ghế cũ. Đến ngày 14/9, lớp học tình thương trong chùa bắt đầu từ đó.

Cô chia sẻ: Những ngày đầu công việc dạy lớp học tình thương này hết sức khó khăn, bởi dạy các em học sinh khuyết tật chẳng có giáo án nào. Hơn nữa mỗi em một khuyết tật, em thì câm, em thì điếc, em thì thiểu năng, tự kỷ… nên phải lựa từng đối tượng và khả năng tiếp thu để chia nhóm lớp và tìm cách truyền đạt cho các em hiểu. Nhất là do không có nghiệp vụ sư phạm để dạy riêng đối với các em khuyết tật, nên mỗi lần đứng lớp cô đều phải tự rút kinh nghiệm riêng cho bản thân để hoàn chỉnh cho mình một “giáo án” làm phương pháp dạy học. Có những lúc vừa dạy các em viết, đọc, vừa phải tìm mọi cách dỗ dành, vỗ về chúng. Có nhiều trường hợp các em bỏ học, cô lại cất công lặn lội đến từng gia đình để vận động bố mẹ cho các em tiếp tục đến lớp.

Thương các “con”, để lớp không bị bỏ trống giờ, cô tính toán sắp xếp lịch thời khóa biểu, phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc với gia đình để đến lớp với các em. May mắn là chồng và gia đình nhà chồng rất ủng hộ, tạo điều kiện để cô được đứng lớp, nên ngoài việc tranh thủ lo xong công việc trong gia đình, chăm lo chồng con, cô dành hết tâm huyết, thời gian để duy trì lớp học.

Cứ như vậy cô âm thầm làm cái việc “không công” đã lay động trái tim của nhiều cô giáo cũng đến cùng chung một tấm lòng thiện nguyện, tham gia dạy tại lớp học tình thương như: Cô Trần Thoa, cô Nhàn, cô Âu, cô Hạnh, cô Loan, cô Tuyết, cô Nguyễn Thoa… Cứ vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, các cô lại tạm gác lại mọi việc gia đình để đến với lớp học, âm thầm gieo chữ nơi cửa chùa cho những mảnh đời bất hạnh.

Viết bình luận

Note: HTML is not translated!
    Bình thường           Hay